Biện pháp phòng tránh tai nạn mùa hè cho con của bạn

15.06.2019

Hình ảnh có liên quan

Trẻ em có thể gặp tai nạn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, nguy cơ trẻ gặp tai nạn trong mùa hè sẽ tăng cao hơn các thời điểm khác vì các bé được nghỉ ở nhà. Điều này có thể khiến bạn không an tâm khi để con vui chơi ngày hè.

Đừng quá lo lắng, Mintscloset sẽ gợi ý cho bạn một số biện pháp để phòng tránh các tai nạn trong mùa hè và giúp bạn bảo vệ con một cách tốt nhất.

1. Cách phòng tránh tai nạn đuối nước

Ngày hè, bố mẹ thường có xu hướng cho con đi bơi hoặc tắm biển để “đánh bay cái nóng”. Tuy nhiên, một vài trường hợp chủ quan của bố mẹ có thể làm tăng nguy cơ con bị tai nạn đuối nước. Tai nạn đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Loại tai nạn này xảy ra nhiều nhất ở trẻ từ 1 – 2 tuổi vì trẻ đã biết đi nhưng lại chưa phát triển đủ các kỹ năng vận động cũng như không thể phán đoán về các mối nguy hiểm như trẻ lớn.

Các trường hợp tử vong do đuối nước thường xảy ra ở hồ bơi, sông suối hoặc thậm chí là bồn tắm hay xô chậu trong nhà. Ở một số nước trên thế giới, người ta đưa ra quy định cụ thể như nếu hồ có mực nước trên 30cm phải có rào chắn, kể cả hồ bơi di động và hồ phao dành cho trẻ em.

Dưới đây là các biện pháp mà bố mẹ có thể thực hiện để phòng tránh tai nạn đuối nước cho con, bao gồm:

  • Bạn phải chắc chắn rằng trẻ luôn nằm trong tầm mắt của người lớn khi đến những khu vực có nước. Khi đưa trẻ đến hồ bơi hoặc công viên nước, hãy luôn trông chừng trẻ, đặc biệt là những trẻ em dưới 5 tuổi. Đừng chủ quan phụ thuộc vào nhân viên cứu hộ tại chỗ vì họ không phải lúc nào cũng có mặt khi con bạn gặp sự cố.
  • Cho trẻ học bơi từ nhỏ, bố mẹ có thể cho con làm quen với nước ngay từ khi bé mới khoảng 6 tháng tuổi với sự hỗ trợ của các chuyên gia (không nên tự thực hiện vì có thể gây nguy hiểm cho bé).
  • Khi đến những nơi như hồ bơi hay công viên nước, hãy dẫn con đi cùng anh chị em hoặc bạn bè. Bạn có thể ghép cặp các con với nhau và bảo chúng phải trông chừng “bạn đồng hành” của mình mọi lúc. Tuy nhiên, lưu ý là bạn vẫn phải để mắt đến các con vì trẻ em không thể tự giải quyết vấn đề khi tai nạn xảy ra.
  • Dạy con 5 nguyên tắc cần nhớ khi bơi ở hồ, bao gồm: Không được chạy nhảy, không nhảy cắm đầu từ thành hồ bơi, không xô đẩy nhau, không ăn uống khi đang bơi và không xuống nước khi không có sự giám sát của người lớn. Hãy dặn con phải cẩn thận khi đi lại quanh thành hồ bơi vì đùa giỡn có thể làm bé bị trượt chân ngã xuống hồ.
  • Bố mẹ không nên uống các loại thức uống có cồn khi trông chừng các bé vì sẽ mất tập trung và không phản ứng kịp thời khi tai nạn xảy ra.

Tai nạn trong mùa hè 3

  • Trang bị cho con thêm phao, đặc biệt nên dùng các loại phao có thể giúp nâng cả cơ thể bé (tránh dùng phao tay hoặc phao quá nhỏ). Tuy nhiên, phao chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế sự giám sát của người lớn.
  • Nếu có thể, bạn nên tham gia một khóa học về sơ cứu và hồi sức tim phổi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (CPR) để kịp thời can thiệp trong các trường hợp khẩn cấp.

2. Cách phòng tránh tai nạn té ngã cho trẻ

Té ngã là nguyên nhân phổ biến nhất gây thương tích cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Mức độ nghiêm trọng của chấn thương phụ thuộc vào vị trí cũng như bề mặt nơi ngã. Tai nạn té ngã có thể gặp ở mọi lúc, tuy nhiên mùa hè thường là thời điểm mà trẻ té ngã nhiều nhất vì các con có nhiều thời gian vui chơi hơn. Những bé đang trong giai đoạn tập đi có thể té ngã thường xuyên hơn. Tùy thuộc vào độ tuổi của con, bạn có thể thay đổi một chút đồ đạc trong nhà để giảm thiểu nguy cơ chấn thương do té ngã cho bé.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi:

  • Không để bé một mình trên bàn thay tã hoặc ghế ăn. Bạn có thể trải một tấm khăn lớn dưới sàn nhà để thay đồ cho bé.
  • Loại bỏ các nguy cơ vấp ngã như đồ chơi và dây điện trên sàn nhà. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị hẳn một khu vực vui chơi riêng cho bé. Ở khu vực này, hãy lót thêm đệm để nếu bé ngã cũng không gây chấn thương quá nghiêm trọng.
  • Sử dụng các miếng mút nhỏ để dán ở cạnh bàn, cạnh ghế và những nơi có góc nhọn để tránh nguy cơ va chạm cho trẻ. Hãy giữ một tay phía trên đầu và một tay ngang hông để đỡ kịp thời nếu bé bị mất thăng bằng.
  • Không cho bé sử dụng xe tập đi. Các bé thường cảm thấy phấn khích khi đi bằng xe, từ đó dễ dẫn đến tình trạng trẻ đẩy xe nhanh và té ngã bất ngờ.
  • Luôn sử dụng dây an toàn toàn thân (dây thắt ở 5 vị trí) khi cho trẻ ngồi trên ghế cao hoặc xe đẩy.
  • Đối với các trẻ mới biết đi, bạn nên lắp thêm các song an toàn ở cầu thang và các cửa phòng, cửa lớn… Bạn cũng nên đảm bảo rằng nền nhà luôn bằng phẳng và độ cao của nền không có sự chênh nhau giữa các phòng.

Đối với trẻ đã lớn

Tai nạn trong mùa hè 2

  • Không để trẻ đi lại hoặc chạy giỡn khi cầm các vật dài, sắc nhọn hay dễ vỡ như bút, kéo, dao, đũa, chén… Đặc biệt, trẻ con thường có thói quen ngậm muỗng, đũa hoặc nĩa khi chạy giỡn, điều này rất nguy hiểm nếu trẻ vấp ngã. Vì vậy, đừng để con ngậm hoặc cầm bất kỳ vật gì nhọn hay dễ vỡ khi đang di chuyển.
  • Lắp đèn ngủ trong phòng để các bé có thể đi vệ sinh dễ dàng hơn vào ban đêm. Thêm vào đó, bạn cũng nên lắp một vài đèn nhỏ ở cầu thang và lối đi để bé có thể nhìn thấy đường khi di chuyển.
  • Bình thường, trẻ em không có thói quen lau khô chân sau khi tắm. Điều này có thể khiến bé dễ bị trượt ngã sau khi tắm xong. Vì vậy, hãy lót một tấm thảm cạnh bồn tắm và trước nhà vệ sinh để chống trơn trượt cho trẻ.
  • Nếu nhà bạn có xích đu hoặc cầu trượt, hãy lót thêm một tấm thảm hoặc một tấm đệm ở dưới. Bạn phải luôn đảm bảo rằng vị trí ngồi trên xích đu hoặc mé dưới của cầu trượt cao không quá 30cm so với mặt đất.
  • Chỉ sử dụng giường tầng cho trẻ trên 9 tuổi.
  • Đối với các bé đã lớn và chơi thể thao, hãy trang bị thêm cho trẻ những dụng cụ hỗ trợ như mũ bảo hiểm hoặc phụ kiện chống chấn thương để bảo vệ con khi chơi các bộ môn này.
  • Con bạn có thể té ngã từ bất kỳ vị trí nào trong nhà. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng thường do té ngã từ cửa sổ. Hãy thực hiện một số các biện pháp sau đây để ngăn ngừa nguy cơ té ngã từ cửa sổ cho trẻ:
  1. Không đặt cạnh cửa sổ các đồ nội thất hoặc các đồ vật mà trẻ có thể trèo lên được.
  2. Bạn lắp thêm các song sắt hoặc xây dựng cửa có các hoa văn chắc chắn để ngăn ngừa khả năng trẻ té ngã từ cửa sổ. Đừng sử dụng màn chắn muỗi vì nó không đủ mạnh và chắc chắn để giữ bé khỏi ngã từ cửa sổ.

3. Ngộ độc thực phẩm

Vào mùa hè, đồ ăn rất dễ hư và ôi thiu. Hệ tiêu hóa của các bé thường vẫn còn rất yếu nên nếu ăn phải những thức ăn này có thể dẫn đến ngộ độc. Ngoài ra, một số loại thực phẩm cũng có thể gây ngộ độc cho trẻ. Để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa nguy cơ bị ngộ độc ở trẻ em, bố mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

• Hãy bảo quản đồ ăn và thức uống trong tủ lạnh, tránh để thực phẩm bên ngoài quá lâu vì chúng rất dễ bị hư. Khi chế biến thức ăn cho bé, hãy sử dụng nước sạch đã được lọc kỹ.

• Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bạn phải cho trẻ ăn ngay khi sau khi vừa nấu xong, không cho trẻ ăn các thức ăn đã để quá lâu. Đối với các trẻ em lớn hơn, bạn không cần cho trẻ ăn ngay sau khi nấu, tuy nhiên cần phải bảo quản những thức ăn đã nấu chín trong điều kiện thích hợp và đun kỹ trước khi cho bé ăn.

• Nếu nghi ngờ thức ăn bị hư hoặc có vấn đề, bạn tuyệt đối không được cho trẻ ăn và hãy bỏ ngay lập tức. Đừng tiếc vì các loại thực phẩm đã hư có thể gây ngộ độc, đôi khi dẫn đến nguy hiểm tính mạng nếu ăn phải.

• Khi lựa chọn thực phẩm, hãy chọn những thứ tươi ngon. Cơ thể của trẻ thường chưa phát triển toàn diện, nên chỉ cần một ít yếu tố nguy cơ cũng có thể khiến trẻ bị ngộ độc.

• Giữ vệ sinh nơi chế biến thực phẩm và nơi ăn uống. Nhà bếp bị đọng nước có thể tạo điều kiện để nấm mốc phát triển, đặc biệt là vào mùa hè. Nấm mốc có thể nhiễm vào thực phẩm khi bạn chế biến và gây hại cho trẻ. Vì vậy, bạn giữ nhà bếp sạch sẽ và khô ráo. Đồng thời cũng nên ngăn ngừa các loài động vật như chuột hoặc gián tiếp xúc đến khu vực chế biến thực phẩm.

• Cũng như nơi chế biến thực phẩm, các dụng cụ dùng để chế biến cũng cần được giữ sạch sẽ. Sau khi sử dụng xong phải rửa và lau khô ngay. Các loại khăn sử dụng trong nhà bếp phải được giặt và phơi khô thường xuyên để tránh ẩm mốc.

• Không nên cho trẻ ăn những thực phẩm có độc (ví dụ như thịt cóc, thịt cá nóc) hoặc các thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ. Với những thực phẩm lạ mới cho trẻ ăn lần đầu, bạn chỉ nên cho ăn một lượng ít để phòng trường hợp trẻ dị ứng với thức ăn. Các trường hợp dị ứng có thể gây ngứa ngáy, nôn mửa, sốc phản vệ và trong một số trường hợp nặng có thể gây tử vong.

4. Giật điện hoặc gây hỏa hoạn

Tai nạn trong mùa hè 4

Mùa hè thường khá nóng bức nên rất dễ xảy ra các trường hợp hỏa hoạn hoặc giật điện. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, khả năng bị giật điện hoặc gây ra các cơn hỏa hoạn xảy ra rất cao. Những tai nạn này có thể gây ra nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, vì vậy, bố mẹ cần thực hiện ngay một số biện pháp để phòng tránh tai nạn trong mùa hè này:

• Sử dụng các loại ổ cắm và phích cắm có công tắc bảo vệ. Khi không sử dụng, hãy tắt các công tắt này để tránh tình trạng giật điện cũng như chập điện có thể xảy ra. Hãy sử dụng phích cắm 3 chấu thay vì 2 chấu vì chấu thứ 3 của phích được nối tiếp đất, sẽ giúp bảo vệ bé trong trường hợp bị giật điện.

• Sử dụng cầu dao chống giật để tự động ngắt điện khi có hiện tượng rò rỉ hoặc quá tải trong hệ thống điện.

• Thường xuyên kiểm tra dây điện trong nhà để tránh nguy cơ bị chập điện dẫn đến cháy nổ. Các loại dây đã hỏng, bong tróc hoặc hư hại thì phải thay đổi ngay. Nếu có điều kiện, hãy thiết kế hệ thống điện âm tường hoặc dùng các ống luồn dây điện để đường dây gọn gàng và tránh bị vật nuôi hay chuột cắn.

• Khi có nước thì điện dẫn truyền càng nhanh hơn. Do đó, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ cẩn thận tuyệt đối, không sử dụng tay ướt khi tiếp xúc với các thiết bị điện. Bạn không nên lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh hoặc phòng tắm, nơi có quá nhiều nước, vì như vậy sẽ dễ xảy ra tình trạng giật điện hơn.

• Hãy cất các dây sạc điện thoại khi đã sử dụng xong để đề phòng trường hợp trẻ bắt chước bố mẹ cắm sạc vào ổ điện. Rút hết tất cả phích cắm khi không sử dụng nữa, đặc biệt là các loại bếp.

• Không để các vật dụng dễ cháy ở quanh các ổ điện hoặc những nơi có nhiều dây điện. Trong những lúc bị rò rỉ, điện có thể bắt vào các vật dụng này gây cháy.

• Để diêm, hột quẹt và các dụng cụ có thể tạo lửa xa tầm tay trẻ em.

• Không để các vật dụng dễ bắt lửa ở những nơi có nhiều ánh sáng và nóng vì chúng có thể dễ dàng tạo nên cháy. Đặc biệt các gia đình sử dụng nhiều gỗ để trang trí nội thất thì cần phải cẩn thận hơn.

• Mùa hè thường hay có mưa kèm theo sấm sét, đây cũng là một nguyên nhân gây cháy phổ biến. Khi trời có sấm chớp, không nên cho trẻ đến gần cửa sổ, cửa ra vào hoặc nằm dưới sàn vì điện có thể truyền vào đất và gây hại cho trẻ.

• Bạn nên tìm hiểu và hướng dẫn con cách sơ cứu khi bị điện giật để phòng các trường hợp xấu có thể xảy ra. Việc trang bị kiến thức cho gia đình sẽ giúp mọi người xử lý tình huống một cách tốt hơn.

Mùa hè là mùa vui chơi, nhưng cũng là mùa tai nạn ở trẻ em xảy ra nhiều nhất. Vì vậy, bố mẹ không được chủ quan mà phải thực hiện ngay các biện pháp an toàn để ngăn ngừa các tai nạn trong mùa hè cho trẻ. Tuy nhiên, điều bạn cần nhớ chính là không bao giờ để trẻ chơi đùa một mình mà không có sự giám sát của người lớn. Mintscloset hy vọng bài viết này đã cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích giúp bạn bảo vệ trẻ em khỏi các tai nạn trong mùa hè.

Bài viết liên quan

Mời bạn bình luận

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""
    Gọi cho Mint SMS Mua ngay Chat Facebook
    Shopee